Văn hóa Ngũ_Đại_Thập_Quốc

Thời Ngũ Đại Thập Quốc có địa vị trọng yếu trong lịch sử văn hóa Trung Quốc, chủ yếu biểu hiện ở sự phát triển của sự nghiệp in ấn, sự nổi lên của từ và một số phương diện khác. Do phương nam khá giàu có và ổn định so với phương bắc, nên văn học, hội họa, công nghệ kim loại, phù điêu, dệt, đồ gốm đều phổ biến ở phương nam.[tham 6]

Tư tưởng học thuật

Thời Ngũ Đại, quốc chính về cơ bản vẫn dựa trên học thuyết Nho gia, song tầm ảnh hưởng xã hội-chính trị của nó suy giảm đáng kể. Tuy nhiên, do phép tắc quan lại và trật tự tiêu chuẩn dựa theo Nho giáo, nó trở nên quan trọng hơn nhiều so với Phật giáoĐạo giáo. Đương thời, các triều Ngũ Đại liên tiếp thay thế nhau, Nho học bị tổn hại, tầm ảnh hưởng của tư tưởng Nho học suy giảm đáng kể. Trong các sắc lệnh, Hậu Đường Minh Tông đã chỉ ra tình trạng các trường học bị bỏ nhiều, điển tịch ít được truyền bá. Thời Hậu Chu Thế Tông, triều đình còn tiến hành một số nỗ lực để khôi phục Nho học, khiến truyền thống Nho học không đến mức đứt đoạn. Đồng thời, việc giảng học tư nhân trong dân gian cũng hết sức phổ biến, nuôi dưỡng không ít nhân tài Nho học, là yếu tố quan trọng dẫn đến việc Nho học hưng phát vào thời Tống.[tham 61]

Do các nhân tố xã hội nhiễu động và thời đại ngắn gấp, thời Ngũ Đại thường xảy ra các vụ việc binh biến phản loạn hay hành thích, quân vương trọng võ khinh văn, còn sĩ nhân thì trọng thực khinh hư, khiến cho thời kỳ này hiếm có học giả hay tư tưởng gia kiệt xuất, nhà nho có danh tiếng chỉ có Phùng Đạo. Phùng Đạo là chính trị gia, quản lý việc khắc in "Cửu kinh" đại quy mô, phụng sự 15 vị quân chủ thuộc 9 họ, làm quan trong hơn 40 năm. Việc này xét theo quan điểm Nho giáo là bất trung quân, song lại giúp bản thân và giúp dân.[tham 61]

Do loạn thế gây tai họa, con người không thể nắm giữ tiền đồ của mình, đại đa số kẻ sĩ chọn theo tư tưởng tị thế tiêu cực, một bộ phận nhà Nho và bách tính hướng sang Phật giáo và Đạo giáo. Có cũng người nghiên cứu đạo tịch, song cũng có người ẩu náu nơi rừng núi, lòng không quan tâm đến danh lợi, chú trọng dưỡng sinh cá nhân, có câu "Ngũ quý chi loạn, tị thế nghi đa".[tham 62] Trong đó, học giả Đạo giáo Đàm Tiễu kế thừa thuyết pháp "đạo" là bản nguyên của thế giới do Lão Tử đề xương. Ông cho rằng vạn vật giữa Trời đất đều do "đạo" diễn hóa mà hình thành, nhưng bản chất của "đạo" lại là hư không, nhiều quan điểm bao hàm nhân tố nhân dân, dân chủ. Đàm Tiễu có soạn "Hóa Thư", trong "Đạo Hóa thiên" ghi rằng: "ủy đạo thì hư hóa thần, thần hóa khí, khí hóa hình, hình sinh nên vạn vật do vậy mà tắc. Dụng đạo thì hình hóa khí, khí hóa thần, thần hóa hư, hư minh nên vạn vật thông".[tham 61]

Văn học và sử học

Nam Đường Hậu Chủ Lý Dục là từ nhân tối trọng yếu vào thời Ngũ Đại Thập Quốc

Văn nhân Ngũ Đại trải qua tình cảnh thế sự nhiều biến hóa, thơ văn do vậy thể hiện sự thống thiết. Trong đó, thi nhân nước Ngô Việt La Ẩn với các bài thơ theo thể ngũ thất ngôn tương đối ưu tú, nổi tiếng có "La Ẩn Giáp Ất tập"- góp nhặt các sáng tác thơ của ông song nay đã thất truyền. Tiền kỳ Ngũ Đại, có rất nhiều văn nhân học sĩ lưu vong tứ phương, như Tư Không Đồ, Vi Trang, Đỗ Quang Đình, đều là những nhân vật có thành tựu văn học phi thường.[tham 63]

Ngũ Đại Thập Quốc là thời kỳ phát triển trọng yếu của thể loại văn học từ, chủ yếu mô tả cảnh sinh hoạt hưởng lạc của hoàng thất và quý tộc. Thể loại này có đề tài dung tục, khung cảnh chật hẹp, phong cách nhu mĩ, có thể lấy đại biểu là Hoa Gian phái. Đến hậu kỳ, xuất hiện lối miêu tả sáng sủa kín đáo, tình cảnh sinh động, để lại dư vị cho người đọc, có ảnh hưởng cực lớn đối với Tống từ. Hoa Gian phái có nguồn gốc từ Ôn Đình Quân thời vãn Đường, Vi Trang thời Vãn Đường-Tiền Thục, trong đó Ôn Đình Quân được hậu nhân gọi là "Hoa Gian tị tổ", các tác phẩm nổi danh như "Bồ Tát Man", "Mộng Giang Nam"; Vi Trang có "Nữ Quan Tử", "Bồ Tát Man"; đều mang phong cách tươi mới. Sau đó, từ phát triển ở Ngũ Đại, có tương đối nhiều từ nhân ở đất Thục và Nam Đường, mặt bằng tương đối cao, do đó trở thành hai trung tâm. Đất Thục có những người như Vi Trang hay Âu Dương Quýnh thời Hậu Thục, các tác phẩm của họ về sau được Triệu Sủng Tộ tập hợp trong "Hoa Gian tập". Âu Dương Quýnh từ có phong cách rất dịu dàng uyển chuyển, nổi danh có "Nam Hương Tử".[tham 63]

Một trung tâm khác của từ là Nam Đường, với những người như Phùng Diên Tị, Trung Chủ Lý Cảnh, Hậu Chủ Lý Dục. Tác phẩm của Phùng Diên Tị có "Thải Tang Tử", hay "Yết Kim Môn", phong cách tinh tế kín đáo, có ảnh hưởng đến từ nhân Bắc Tống như Yến Thù hay Âu Dương Tu, để lại "Dương Xuân tập". Có thể lấy "Than Phá Hoán Kê Sa" làm đại biểu cho các tác phẩm của Lý Cảnh, nội dung sâu lắng, không có cảm giác diễm lệ hư ảo, tác phẩm của phụ tử Lý Cảnh được hậu nhân tập hợp lại thành "Nam Đường Nhị Chủ từ". Lý Dục là một từ nhân quan trọng thời Ngũ Đại Thập Quốc. Các tác phẩm thời kỳ đầu của ông cũng giống như "Đồng Hoa Gian phái", chủ yếu là mô tả cảnh sinh hoạt diễm lệ trong cung đình như "Ngọc Lâu Xuân", Bồ Tát Man". Tuy nhiên, sau khi mất nước và bị bắt, các tác phẩm từ của ông miêu tả tình cảnh của bản thân, hoặc than thở thân thế, hoặc luyến tiếc quá khứ, hình tượng tươi đẹp, ngôn ngữ sinh động, tả tình thương cảm rất sâu sắc và chân thành, đại biểu có "Ngu Mỹ Nhân", "Lang Thao Sa" (浪滔沙), "Ô Dạ Đề". Đây là một bước đột phá so với khuôn mẫu chuyên tả phong hoa tuyết nguyệt hay tình cảm nam nữ từ thời vãn Đường, trên cả phương diện nội dung và ý cảnh đều có sự sáng tạo mới mẻ, là lĩnh vực được phát triển khai thác trong các tác phẩm từ vào thời Bắc Tống.[tham 63]

Sử học

Sử học từ thời Đường đã rất phát triển, vẫn tiếp tục thịnh hành vào thời Ngũ Đại Thập Quốc. Trong các sử liệu được biên soạn vào thời Ngũ Đại Thập Quốc, có tiếng nhất là "Cựu Đường thư" tức "Đường thư" và "Đường hội yếu", có giá trị quan trọng trong việc mô tả sự kiện lịch sử, nhân vật, điển chế, hưng vong thịnh suy triều Đường. Đường thư là tư liệu tổng hợp phong phú, ngay từ thời Hậu Lương, Mạt Đế Chu Hữu Trinh đã hạ chiếu tập hợp các gia truyện, chương sớ công tư thời Đường; đến thời Hậu Đường Minh Tông lại đặt chức Tam Xuyên sư phóng đồ tịch sứ, sai đến khu vực Thành Đô để sưu tầm thực lục thời Đường, đồng thời ra lệnh bảo vệ các bia khắc. Cuối cùng, Hậu Tấn Cao Tổ vào năm Thiên Phúc thứ 6 (941) đã hạ lệnh biên soạn, đến năm Khai Vận thứ 2 (945) thì hoàn thành "Đường thư". Đường thư lần lượt do Trương Chiêu Viễn, Giả Vĩ, Triệu Hy và những người khác soạn, giám tu ban đầu là Triệu Hy và cuối cùng là Lưu Hú. Cựu Đường thư bảo tồn được nhiều sử liệu nguyên thủy về sự kiện nhân vật, giả dụ như "thảo Tùy Dạng Đế hịch văn" của Lý Mật, được các sử học giả hậu thế xem trọng. Tuy nhiên, do việc biên soạn diễn ra vội vàng, thiếu đi việc xử lý các tài liệu nguyên thủy, trước thời Đường Hiến Tông phần nhiều sao chép quốc sử, thực lục, phần sau thời Đường Mục Tông lại biên tập theo tạp thuyết, truyện ký, do vậy đến thời Tống lại xuất hiện Tân Đường thư.[tham 64]

"Đường hội yếu" do Vương Phổ thời Hậu Chu biên soạn, chia ra từng loại theo sự tiến triển và biến thiên các hạng chế độ, điển chương và văn vật thời Đường, tái hiện phong mạo triều Đường, là tác phẩm chuyên biệt "hội yếu" số một trong lịch sử Trung Quốc.[tham 65] Bút ký lịch sử vào thời Ngũ Đại Thập Quốc rất phát triển, chủ yếu là tự thuật sự vật đời Đường. "Khai Nguyên Bảo Di Sự Ký" của Vương Nhân Dụ ghi lại dật sự triều dã thời Đường Huyền Tông, "Đường Chích Ngôn" của Vương Định Bảo tường thuật chế độ tiến cử người tài thời Đường, Lưu Sùng Viễn soạn "Kim Hoa Tử" ghi lại cố sự triều dã thời Đường mạt, "Bắc Mộng Tỏa Ngôn" của Tôn Quang Hiến ghi lại dật sự sĩ nhân thời Đường và Ngũ Đại.[tham 65]

Nghệ thuật

"Nhị Tổ điều tâm đồ" do Thạch Khác nước Hậu Thục vẽ

Nền hội họa thời Ngũ Đại Thập Quốc chủ yếu kế thừa hội họa triều Đường, đồng thời cũng có sự sáng tạo mới mẻ. Các nước Nam Đường, Tiền Thục, Hậu Thục, Ngô Việt có kinh tế cường thịnh, hoàng thất và sĩ nhân các nước này có đời sống giàu có, sản sinh ra họa viện cung đình, khiến nghệ thuật hội họa phát triển theo hướng ngắm nhìn thưởng thức, tập trung, trong đó cũng sản sinh ra rất nhiều gia tộc là đơn vị quần thể sáng tác.[tham 66] Năm 935, Hậu Thục thiết lập "Hàn lâm đồ họa viện", họa viện cung đình chính thức đầu tiên của Trung Quốc, sau đó Nam Đường cũng thiết lập đồ họa viện. Đồ họa viện tập hợp một nhóm họa gia trứ danh, cùng nhau thảo luận nghiên cứu, tạo nên nhiều thành tựu. Các chủ đề trong hội họa của họ như nhân vật, sơn thủy, chim hoa đều có sự phát triển nhất định, đặc biệt, sơn thủy họa và điểu hoa họa có ảnh hưởng lớn đến phong cách hội họa thời Tống.[tham 67]

Do Trung Nguyên chiến loạn liên miên, vào thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc có rất nhiều họa gia di chuyển từ Trung Nguyên đến khu vực tây nam và đông nam, đồng thời ẩn cư ở vùng thâm sơn, khiến sơn thủy họa phát triển nhanh chóng, hoa điểu họa thì nổi lên.[tham 66] Thủy mặc sơn thủy họa vào thời Ngũ Đại đã tiến vào giai đoạn thành thục, họa gia hiểu rõ giá trị của sinh hoạt, nhận thấy điểm đặc sắc của hoàn cảnh tự nhiên, dùng các kỹ thuật không giống nhau để tái hiện, hình thành hai phái là Kinh Quan ở phương bắc và Đổng Cự ở phương nam. Với Sơn thủy họa ở phương bắc, sư đồ có danh tiếng nhất là Kinh HạoQuan Đồng thời Hậu Lương, Kinh Hạo đào tình lâm tuyền, ký thú đan thanh, người đời gọi là "Hồng Cốc Tử". Ông là bậc kỳ tài về việc vẽ tranh núi cao non thẳm, tác phẩm "Khuông Lư đồ" của ông được gọi là "toàn cảnh sơn thủy". Quan Đồng là bậc kỳ tài về vẽ thế sông núi, trong khung cảnh hùng hồn có thêm vẻ tan hoang trống trải của phương bắc, các tác phẩm có thể kể đến như "Quan sơn hành lữ đồ", "Thu sơn vãn thúy đồ".[tham 66] Sơn thủy họa phương nam có sư đồ nổi tiếng Đổng Nguyên, Cự Nhiên ở nước Nam Đường, họ đều tài giỏi trong việc vẽ tranh thủy mặc miêu tả cảnh sắc Giang Nam. Đổng Nguyên là bậc kỳ tài trong việc sử dụng "phi ma thuân", khéo dùng đạm mặc khinh lam để thoát khỏi thiên chân buồn tẻ của Giang Nam, có tiếng nhất là "Động thiên sơn đường", "Hàn lâm trọng đinh đồ". Cự Nhiên kế thừa trực tiếp họa pháp của Đổng Nguyên, các tác phẩm nổi tiếng có thể kể đến như "Vạn hác tùng phong đồ", "Tằng nham tùng thụ đồ".[tham 66]

Về điểu hoa họa thì có tiếng nhất là như Từ Hy nước Nam Đường hay Hoàng Thuyên nước Hậu Thục. Hoàng Thuyên giỏi vẽ các loại chim quý cỏ lạ trong cung đình, Từ Hy giỏi vẽ chim và hoa trên mặt nước sông hồ, hai người được gọi là "Hoàng-Từ", đương thời có ngạn ngữ "Hoàng gia phú quý, Từ Hi dã dật", các tác phẩm nổi tiếng có thể kể đến như "Tả sinh trân cầm đồ", "Tuyết trúc đồ".[tham 66]

Nhân vật họa thời Ngũ Đại Thập Quốc kế thừa phong cách hội họa nhân vật cung đình của Chu PhưởngTrương Huyên thời Đường, nổi tiếng có Cố Hoành Trung, Chu Văn Củ và Thạch Khác]]. Hàn Hi Tái dạ yến đồ do Cố Toàn Trung vẽ theo lối tế nhị, mang sắc thái hoa lệ tươi vui, là tài sản nghệ thuật quý báu truyền thế. Chu Văn Củ thể hiện tình một cách sinh động khi khắc họa về nhân vật, là bậc thầy về trình độ miêu tả hình thể và tư thế, tác phẩm có "Tô lý biệt ý" và "An lạc cung nữ đồ".[tham 66] Thạch Khác ở Hậu Thục giỏi về nhân vật quỷ thần, hình tượng phần nhiều thể hiện dáng xấu xí kỳ dị, tác phẩm có "Nhị Tổ điều tâm đồ". Thời Ngũ Đại, đạo sĩ Trương Tố Thanh giỏi về Đạo họa.[tham 67]

"Thu sơn vãn thúy đồ" của Quan Đồng
"Đỗng thiên sơn đường" của Đổng Nguyên
"Tuyết trúc đồ" của Từ Hy
"Tình loan tiêu tự đồ" của Lý Thành

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Ngũ_Đại_Thập_Quốc http://www.britannica.com/EBchecked/topic/208994 http://www.britannica.com/EBchecked/topic/587074 http://military.china.com/zh_cn/dljl/songchao/01/1... http://edu.cnxianzai.com/gaozhongsheng/xuefazhidao... http://www.guoxue.com/shibu/24shi/Newwudai/xwdml.h... http://www.guoxue.com/shibu/24shi/oldwudai/jwdml.h... http://id.loc.gov/authorities/subjects/sh85024062 http://d-nb.info/gnd/4717161-3 http://vr.theatre.ntu.edu.tw/fineart/chap18/chap18... http://db1x.sinica.edu.tw/caat/caat_rptcaatc.php?_...